Gương mặt hốc hác, thân hình gầy gò vì thiếu ăn. Không thịt, không cá, bữa ăn sang nhất của Nguyễn Hùng Mạnh là rau luộc, nhưng nhiều hôm không có tiền, rau hay trứng em cũng phải ᶍιɴ của hàng xóm hoặc ăn mì gói. Điều duy nhất mà cậu học trò này “giàu có” chính là nghị lực.
Những ngày này, trong căn phòng trọ nóng hầm hập ở Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, cậu học trò Nguyễn Hùng Mạnh, học sinh Trường THPT Tây Thạnh (Tân Phú, TP.HCM) đang nuôi ước mơ vào giảng đường đại học. Nhưng nỗi sợ đứt gánh giữa đường cũng luôn bủa vây lấy em.
Nhiều đêm khóc một mình vì nhớ mẹ
Cuộc sống không hạnh phúc, ba rượu chè suốt ngày nên ba mẹ ly thân. Mẹ bỏ quê (Hà Nam) dắt theo Mạnh vào TP.HCM mưu sinh. Trong ᴛaʏ không có tài sản gì, cũng không có việc làm, vì cuộc sống 2 mẹ con quá khó khăn nên Mạnh được một cơ sở bảo trợ xã hội ở Q.Bình Tân nhận vào cưu mang.
Với cậu học trò học lớp 5 ngày ấy, đó là thời điểm không hề dễ dàng. Vào nơi xứ lạ quê người, lại phải rời xa mẹ sống trong cơ sở bảo trợ xã hội, thời gian đầu, cứ đêm đến là Mạnh khóc một mình vì nhớ và thương mẹ.
Mạnh kể: “Đó là lần xa mẹ đầu đời của em. Đứa trẻ nào cũng muốn ở với mẹ, nhưng do hoàn cảnh nên em đành chấp nhận. Ở trong đó nhiều đêm không ngủ được thì thường em sẽ nhớ về gia đình và khóc một mình. Nhưng em chỉ khóc một chút rồi thôi, em thấy nếu mình cứ khóc như thế thì mẹ sẽ khổ hơn nữa nên em dặn lòng phải mạnh mẽ lên”.
Thường trẻ con vô lo vô nghĩ, nằm xuống là ngủ, nhưng với Mạnh thì nhiều đêm không ngủ được. Cậu học trò ấy giãi bày: “Lúc đó dù còn nhỏ, nhưng em đã hiểu nhiều chuyện, hiểu về hoàn cảnh của gia đình, hiểu được mẹ mình khổ như thế nào nên em suy nghĩ nhiều và cũng vì thế mà không ngủ được. Nhưng em ghi vào trong tâm một câu là giờ nếu mình khóc cũng sẽ không thể làm gì được, thôi cứ cố gắng đi”. Sau đó 2 năm thì anh trai từ quê cũng vào cơ sở bảo trợ ở chung, có anh có em nên Mạnh đỡ cảm giác nhớ người thân.
Mẹ của Mạnh đi làm giúp việc nhà và được người ta thương nên cho ở lại, vì thế thời gian đầu đỡ khoản tiền thuê trọ. Khi anh trai của Mạnh đậu đại học, mẹ phải ra thuê trọ để 2 mẹ con cùng sinh sống, lúc này Mạnh vẫn đang ở trong cơ sở bảo trợ xã hội.
Bữa ăn sang nhất là… rau luộc
Cách đây vài tháng, vì lịch học cuối cấp quá nhiều, nên Mạnh phải chuyển ra ở trọ để thuận tiện cho việc ôn bài. Do mẹ làm việc ở TP.Thủ Đức và không có phương tiện đi lại nên mẹ và anh trai ở trọ tại TP.Thủ Đức, còn trường của Mạnh lại ở Q.Tân Phú, vì thế mà cậu học trò đành một mình ngậm ngùi thuê trọ tại Q.Bình Tân (đoạn giáp ranh với Q.Tân Phú) để đi học cho tiện.
Với thu nhập ít ỏi từ công việc giúp việc nhà, vừa lo cho anh trai của Mạnh học đại học, lại phải đóng tiền trọ ở 2 nơi nên đã khiến cho mẹ của Mạnh kiệt sức. Cuộc sống của 3 mẹ con đều rất eo hẹp, mỗi tháng ngoài 700.000 đồng tiền nhà trọ, Mạnh chỉ còn khoảng 500.000 đồng để trang trải tất cả mọi thứ.
Ở thành phố đắt đỏ này, một ngày chỉ khoảng 15.000 đồng vừa tiền ăn, tiền xe đi học và các khoản chi phí khác… chúng tôi không thể hình dung được cậu học trò ấy đã sống như thế nào. Nhìn xung quanh căn phòng trọ chật hẹp, chẳng có gì ngoài những thùng mì gói loại rẻ tiền đã dùng hết.
Mạnh kể: “Ngày nào ít nhất em cũng có một bữa ăn mì gói. Còn không thì em pha mì gói ăn với cơm. Hôm nào có tiền, em ra chợ mua bó rau về luộc. Có những hôm, không có tiền mà cũng không có gì ăn, em qua phòng trọ của chú ở bên để ᶍιɴ trứng về luộc. Chú cũng hiểu hoàn cảnh nên rất thương em, có cái gì ăn là chú cũng hay mang qua cho”.
Quặn lòng khi nghe Mạnh nói bữa ăn sang nhất khi có tiền của em cũng chỉ là rau luộc. Nhưng với cậu học trò ấy, vì đã quen với những bữa ăn không hề có cá, có thịt nên em chỉ mong có tiền để bữa ăn có thêm tý rau cho đỡ ngán cảm giác ăn mì gói mỗi ngày.
Khát khao vào giảng đường
Chị Nguyễn Thị Nhung (mẹ của Mạnh) nói trong nước mắt: “Tôi xót lắm, nhưng hoàn cảnh không biết phải làm sao. Tôi cũng không có tiền để gửi được cho Mạnh nhiều, mỗi tháng cỡ khoảng 1 triệu đồng, từ tiền trọ cho đến tiền ăn chỉ gói gọn trong từng đó tiền. Nhiều khi nghe con nói ăn mì gói mà tôi chỉ biết rơi nước mắt vì thương con”.
Ngày gửi Mạnh vào cơ sở bảo trợ xã hội, Mạnh nhiều đêm khóc thầm vì nhớ mẹ, còn ở bên ngoài, chị Nhung cũng cạn nước mắt vì xót con.
“Điều tôi lo sợ nhất là không đủ kiɴh phí lo cho con học, rồi con sẽ đứt gánh giữa đường. Đời mình đã khổ quá rồi, tôi chỉ ước mong con được học hành đến nơi đến chốn, ra trường có công ăn việc làm ổn định để không phải khổ giống như mẹ”, người mẹ tần tảo nói trong nghẹn ngào.
Mặc dù hoàn cảnh khó khăn như vậy nhưng Mạnh không bao giờ thể hiện ra bên ngoài. Cô Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, giáo viên chủ nhiệm lớp của Mạnh, kể: “Tôi chủ nhiệm lớp Mạnh được 1 năm, em rất kín nên không thể nào biết được hoàn cảnh của em. Mãi cho đến đợt họp phụ huynh vừa rồi, Mạnh không có phụ huynh đi họp và em cũng chưa đóng học phí 2 tháng cuối, nên tôi tìm hiểu mới biết được trước đây có cô trong cơ sở bảo trợ xã hội đi họp thay, còn giờ ra ở trọ nên em không có ai đi họp phụ huynh”.
Cô Ánh nhìn nhận: “Tôi rất phục nghị lực của Mạnh, nếu rơi vào bạn khác thì có thể đã buông xuôi, chán nản nhưng với Mạnh thì nỗ lực hết mình để vượt qua. Em có nhiều cống hiến nhất định cho lớp và đây là một nghị lực vươn lên trong cuộc sống, trong học tập rất đáng khâm phục”.
Sắp tới Mạnh dự định thi vào ngành công nghệ kỹ thuật ô tô của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Mạnh cũng đam mê tiếng Nhật, nên em ước mơ sau này được làm cho các công ty của Nhật về ngành ô tô.
Khát khao là vậy, nhưng Mạnh hiểu hoàn cảnh của gia đình, nên em nói: “Nếu thi đậu mà không có tiền để học thì chắc em phải bảo lưu kết quả để đi làm phụ mẹ. Em cũng rất lo, vì mẹ tuổi cũng cᴀo rồi, không thể nào làm thêm hơn được nữa, mẹ đã vì tụi em mà vất vả bao năm qua”.
Mạnh nói, nhưng ánh mắt chất chứa một nỗi buồn không thể diễn tả thành lời. Mạnh cũng lo như chính nỗi sợ của mẹ, sợ sẽ phải dừng việc học giữa chừng sau biết bao nhiêu năm nỗ lực vượt qua nghịch cảnh.
Mọi sự đóng góp, ủng hộ giúp em Nguyễn Hùng Mạnh, học sinh Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú, TP.HCM), quý độc giả vui lòng gửi về: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 10006868 – Ngân hàng Eximbank – chi nhánh Sài Gòn. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Nguyễn Hùng Mạnh; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến em Nguyễn Hùng Mạnh trong thời gian sớm nhất.