Từ nay: 4 trường hợp không cần phải đăng ký biển số định danh, CSGT cũng không phạt

Mặc dù hiện nay biển số xe được định danh theo chủ xe nhưng không bắt buộc mọi chủ xe đều phải làm thủ tục đăng ký, đặc biệt là 4 trường hợp sau đây.

Biển số định danh là gì?

Theo khoản 3 Điều 3 Thông tư 24/2023/TT-BCA, biển số định danh là biển số được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe.

Biển số xe theo quy định mới vẫn được làm bằng kim loại có màng phản quang, trên đó vẫn có ký hiệu bảo mật Công an hiệu đóng chìm và các ký hiệu, seri dưới dạng số và chữ cái.

Biển số định danh được quản lý như sau:

– Chủ xe là cá nhân Việt Nam: Biển số xe được quản lý theo số định danh cá nhân đó.

– Chủ xe là cá nhân nước ngoài: Biển số xe được quản lý theo số định danh của người nước ngoài đó hoặc số thẻ thường trú, số thẻ tạm trú hoặc số chứng minh thư khác do cơ quan có thẩm quyền cấp.

– Chủ xe là tổ chức: Biển số xe được quản lý theo mã định danh điện tử của tổ chức đó nhưng nếu tổ chức chưa có mã định danh điện tử thì quản lý theo mã số thuế hoặc quyết định thành lập.

Theo Thông tư 24/2023/TT-BCA, biển số xe trên cả nước được định danh như sau:

– Trường hợp làm thủ tục đăng ký, cấp biển số xe từ ngày 15/8/2023: Biển số cấp mới được định danh theo chủ xe (theo khoản 3 Điều 7 Thông tư 24/2023/TT-BCA).

– Xe đã đăng ký biển 05 số trước ngày 15/8/2023 mà chưa làm thủ tục thu hồi: Số biển số xe được định danh mặc định theo chủ xe (theo khoản 1 Điều 39 Thông tư 24/2023/TT-BCA).

– Xe đã đăng ký biển 03 số, 04 số: Biển số xe đó không được định danh, còn xe vẫn được tiếp tục lưu thông trên đường (theo khoản 4 Điều 39 Thông tư 24/2023/TT-BCA).

4 trường hợp không cần đăng ký biển số định danh

Điều 39 Thông tư 24/2023/TT-BCA đã nêu rõ 04 trường hợp không cần đăng ký biển số định danh vẫn được tiếp tục sử dụng để tham gia giao thông bao gồm:

(1) Xe đã đăng ký biển 05 số trước ngày 15/8/2023 mà chưa làm thủ tục thu hồi.

Số biển số này được định danh mặc định theo chủ xe là người đang đứng tên trên giấy đăng ký xe.

(2) Xe đã đăng ký biển 05 số có ký hiệu “LD”, “DA”, “MĐ”, “R”.

Các xe này vẫn được tiếp tục tham gia giao thông, kể cả khi cấp đổi, cấp lại biển số thì vẫn được dùng biển số cũ, trừ trường hợp chủ xe có nhu cầu cấp sang biển số định danh.

(3) Xe đã đăng ký biển 03 số mà không thuộc trường hợp phải cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe; đăng ký sang tên, di chuyển xe.

Di chuyển xe được hiểu là khi chủ xe chuyển nơi cư trú từ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương này sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.

(4) Xe đã đăng ký biển 04 số mà không thuộc trường hợp phải cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe; đăng ký sang tên, di chuyển xe.

Ngoại trừ trường hợp (1) được định danh mặc định, các trường hợp còn lại được đăng ký biển số định danh khi chủ xe có nhu cầu.

4 lợi ích khi sử dụng biển số định danh

Về bản chất, biển số định danh không làm thay đổi nhiều về số biển số xe của cá nhân, tổ chức mà đột phá ở đây là về phương thức quản lý của cơ quan đăng ký xe.

Việc sử dụng biển số định danh đem đến một số lợi ích sau đây:

– Giúp lực lượng công an truy xuất thông tin của người và phương tiện liên quan đến tai nạn, vi phạm giao thông, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ xe

– Khi bán xe, người dân vẫn được giữ lại biển số cũ để đăng ký cho xe khác thuộc quyền sở hữu của mình (theo khoản 7 Điều 3 Thông tư 24/2023/TT-BCA).

– Khi chuyển trụ sở, nơi cư trú từ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương này sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác thì chủ xe được giữ lại số biển số định danh trước đó (theo khoản 8 Điều 3 và khoản 1 Điều 16 Thông tư 24/2023/TT-BCA).

– Chủ xe có thể sở hữu nhiều biển số định danh mà không bị giới hạn số lượng. Nếu đã có xe được cấp biển số xe định danh thì mua xe khác vẫn được cấp biển số định danh mới.