Cô giáo nói gì?
Hôm qua, dư luận xôn xao vì thông tin, một phụ huynh lớp 9A4, Trường THCS Kim Giang, quận Thanh Xuân bức xúc tố giáo viên chủ nhiệm ép con không tham gia thi tuyển lớp 10, thay vào đó nên đi học trường trung cấp nghề.
Trao đổi với PV, cô Lê Thị Kim Oanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A4, cho biết, lớp có 46 học sinh và có 40 em nộp phiếu đăng ký dự thi vào lớp 10, chỉ có 6 em chọn học nghề. Sau buổi họp phụ huynh gần đây, cô đã mời 9 phụ huynh ở lại để bàn giải pháp cải thiện tình hình học tập của học sinh vì kết quả kiểm tra học kỳ của những em này rất thấp.
“Những phụ huynh này đều đã nộp phiếu đăng ký dự thi vào lớp 10 cho con. Tôi hiểu họ muốn cô giáo động viên, gieo hi vọng, trao niềm tin nhưng việc đó đã làm trong suốt năm học nên cô xin phép nói thật tình hình học tập của các em để phụ huynh được biết và phối hợp với giáo viên cùng hỗ trợ thúc đẩy chất lượng”, cô Oanh nói.
Kỳ thi lớp 10 Hà Nội căng thẳng vì chỉ có hơn 55% học sinh có suất học trường công lập |
Theo cô Oanh, trong cuộc họp phụ huynh chung của lớp, cô đã tư vấn chọn trường cấp 3 cho học sinh và đưa ra 3 phương án. Một là những em không hứng thú học tập có thể đi học trung cấp, cao đẳng nghề vừa song song học lấy bằng tốt nghiệp THPT đỡ lãng phí thời gian. Hai là tìm hiểu trường THPT dân lập. Ba là phương án thi vào lớp 10 THPT công lập, chọn nguyện vọng phù hợp. Cô có nói ý “muốn ra biển lớn, các em phải chuẩn bị đủ sức khoẻ, không phải muốn thi nhà trường sẽ kiểm tra sức khoẻ như báo chí nêu”, cô Oanh nói.
Theo cô, việc cung cấp thông tin, định hướng nghề nghiệp và chọn trường THPT là nhiệm vụ của giáo viên lớp 9 phải đảm nhận. Hằng năm nhà trường không lấy kết quả thi tuyển của học sinh để xếp loại giáo viên. Điều cô cảm thấy áp lực nhất là mục tiêu, kỳ vọng của phụ huynh. “Có em điểm kiểm tra chỉ được 3-4 nhưng bố mẹ muốn con thi vào trường có điểm trung bình 6-7. Có học sinh nhờ cô trao đổi với bố mẹ nhưng khi cô nói phụ huynh lại cho là ép con”, cô giãi bày.
Về phía nhà trường, bà Phạm Thị Xuân Oanh, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Giang, cho biết, trường đã mời được một số phụ huynh trong nhóm cô giáo trao đổi riêng đến gặp, trao đổi về các nội dung liên quan. Tại cuộc họp, hiệu trưởng khẳng định, nếu giáo viên ép học sinh không thi là sai và sẽ xử lý nghiêm theo quy định và mong muốn phụ huynh trao đổi, cung cấp thông tin thẳng thắn. Tuy nhiên, các phụ huynh đều cho rằng, cô giáo tư vấn về các phương án lựa chọn, không ép học sinh.
Theo bà Oanh, trong các cuộc họp, nhà trường đều quán triệt giáo viên chủ nhiệm có nhiệm vụ tư vấn cho cha mẹ học sinh về lực học của con để chọn trường chính xác. Không được làm trái quy định hay gây sức ép, làm tổn thương học sinh. Tuy nhiên, cũng có thể cách nói của giáo viên chưa khéo léo dẫn đến việc phụ huynh hiểu lầm. Về đánh giá chất lượng dạy học đối với giáo viên, đại diện nhà trường chia sẻ, hằng tháng, mỗi kỳ giáo viên được đánh giá theo nhiều cách khác nhau, không lấy tỉ lệ học sinh thi vào lớp 10 làm tiêu chí.
Định hướng chọn nghề rất nhạy cảm
Bà Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, khẳng định, nhà trường không lấy kết quả thi tuyển lớp 10 để đánh giá thành tích giáo viên. Các cấp quản lý, Sở, Phòng không lấy tỉ lệ học sinh đỗ lớp 10 THPT công lập để xếp loại trường học nên giáo viên không chịu sức ép nào khác. Để đánh giá chất lượng học sinh, chất lượng dạy học, cuối năm, cuối kỳ, nhà trường ra đề kiểm tra chung và chấm chéo. “Tuy nhiên, hằng năm việc tư vấn, định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh luôn là công việc nhạy cảm. Không ít phụ huynh không chấp nhận kết quả học tập của con thấp và cho rằng cô o ép, không muốn con thi”, bà Hồng nói.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến khẳng định, ngành không dùng kết quả của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập để làm tiêu chí xếp loại thi đua đối với trường học.
Chiều qua (26/4) Sở GD&ĐT Hà Nội có văn bản yêu cầu tất cả các Trưởng phòng GD&ĐT rà soát, kiểm tra, xác minh hiện tượng vận động học sinh không tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 xử lý nghiêm khắc nếu có tình trạng như dư luận xã hội phản ánh tại một số cơ sở giáo dục.