Nhiều người trẻ “từ chối” sống cùng cha mẹ: Háo hức thuê trọ gần nhà, miễn là được ở riêng

Trong quan niệm của nhiều người Việt, con cái nên ở chung với bố mẹ cho đến khi lập gia đình. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều bạn trẻ muốn được tách ra riêng, thậm chí họ có thể thuê trọ gần nhà, miễn là được sống tự lập.

Theo như tôi từng đọc được trên mạng thì có rất nhiều câu chuyện minh chứng. Chẳng hạn, bạn trẻ H.A. (27 tuổi), cứ 10h đêm sau ca làm việc tại một nhà hàng là chạy xe máy gần 20 km trở về nhà riêng ở quận khác. Đây chính là căn nhà H.A. dùng toàn bộ tiền tiết kiệm để mua trả góp sau khi quyết định rời nhà cha mẹ sống độc lập.

“Với tôi, ra ở riêng không khó mà ‘đau đầu’ ở chỗ phải dành nhiều năm chứng minh với gia đình rằng tôi có thể làm được. Cha mẹ từng không mấy vui vẻ khi tôi nói về ý định dọn ra ngoài. Ngày đó, cha tôi nói rằng: ‘Nhà cửa có đủ, sao phải đi thuê nhà trọ chật chội, thiếu thốn?”, H.A. chia sẻ.

Những tháng đầu sống riêng của H.A. trôi qua với cảm giác mệt mỏi. Vì dồn hết tiền mua nhà, anh không còn khoản tích lũy nào khác để sắm sửa nội thất. Đi làm về khi đã quá giờ cơm tối, chàng trai trẻ ăn vội chén cơm nguội rồi lại loay hoay sửa chữa, dọn dẹp

“Khi mới dọn ra riêng, việc gì cũng cần chi tiêu mà lúc đó tôi đã cạn tiền. Tôi không dám xin hay nhờ cha mẹ giúp đỡ vì tự trọng. Cùng thời điểm, công việc của tôi lại không suôn sẻ như trước. Tôi từng thấy khủng hoảng rất nhiều”, H. A. thú nhận.

Dù vậy, vài năm sau, chàng trai không hề hối hận về quyết định “rời tổ”. Anh nghĩ rằng cuộc sống độc lập giúp người trẻ trưởng thành và có thể làm chủ cảm xúc tốt hơn. Khi sống riêng, anh dành nhiều tâm sức chăm chút cho căn nhà nhỏ, trồng nhiều cây, hoa và nuôi một chú chó.

Hay bạn nữ T.T. cũng thích ở riêng từ những năm đại học. Nhưng khi mở lời với gia đình về ý định này, cha mẹ cô nàng không quá hưởng ứng. Họ cảm thấy con gái chưa đủ khả năng tự lo toan cho cuộc sống cá nhân, không nhất thiết phải dọn ra ngoài.

Tôi kiên trì chứng minh bằng cách sống có trách nhiệm hơn: đi làm, ăn uống lành mạnh, rèn kỹ năng quản lý tài chính…Nhờ ‘mưa dầm thấm lâu’, tôi cũng nhận được cái gật đầu từ người nhà“, T. T. kể.

Khi ra ở riêng, cha mẹ nhiệt tình hỗ trợ cô gái trẻ trong việc tìm nhà, hỗ trợ một phần nhỏ tiền cọc tháng đầu. “Chỗ ở xa trung tâm, nhưng lại gần nơi tôi làm việc. Thu nhập từ công việc tại công ty truyền thông của tôi vừa đủ để chi trả tiền nhà, sinh hoạt phí. Mọi thứ đều mới lạ, nhiều bỡ ngỡ, nhưng trải nghiệm sống riêng giúp tôi trưởng thành nhanh chóng... Hồi đầu ra riêng, đôi khi tôi thấy lạc lõng vì mất kết nối với cha mẹ. Nhưng tôi dần nhận ra niềm vui trong gia đình vẫn còn đó, chỉ là cách thể hiện khác đi thôi. Tôi có thể về nhà ăn cơm vào cuối tuần, mời cha mẹ sang chơi…”, T. T. tâm sự.

Thật ra như tôi được biết thì ở phương Tây, những nam thanh nữ tú đủ 18 tuổi sẽ tự động kiếm chỗ ở mới, tự thuê trọ hoặc mua nhà nếu có điều kiện và dọn đồ đạc của mình ra khỏi tổ ấm của bố mẹ. Thậm chí, nếu bạn “ăn bám” họ quá lâu thì sẽ bị phụ huynh phàn nàn và khó chịu.

Nhưng ở Việt Nam và các nước phương Đông, bố mẹ sẵn sàng bao dung cho con cái từ thức ăn đến nơi ở. Thậm chí cưới vợ lấy chồng mà chưa có chốn dung thân, họ cũng sẵn sàng chia phòng cho “tụi nhỏ”. Tâm lý ấy khiến một số thanh niên bị chây lười, ăn bám và ỷ lại. Mãi đến khi về già, sức cùng lực kiệt, các bậc phụ huynh mới thấy mình đã yêu thương con một cách sai lầm.

Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ ngày nay có xu hướng ngược lại, họ muốn được độc lập và ra riêng từ sớm. Họ muốn tự xây tổ ấm cho mình ngay khi đang độc thân. Điều khó khăn là họ không hề đi học hay đi làm xa nhà, mà công ty, trường học chỉ cách nhà vài cây số.

Vậy là theo tâm lý đám đông, không mấy ai hiểu được nhu cầu “ở riêng” của người trẻ. Ai cũng sẽ thắc mắc, tò mò, sao có nhà của bố mẹ lại không ở, đi thuê phòng hoặc mua nhà rất mất tiền bạc, thời gian. Hoặc thà rằng bạn rất giàu có, đằng này ra ngoài khiến kinh tế bị hao hụt rất nhiều, vậy có dại quá không, vậy có lãng phí không?

hình ảnh

(Ảnh minh họa: baidu.com/ sunnews.site)

Thực tế là, ở riêng giúp các bạn trẻ tự tin, năng động hơn và có nhiều vốn sống hơn, nhưng quan trọng nhất là thoải mái hơn. Họ có thể đi sớm về khuya mà không cần phải giải thích, họ có thể mời bạn đến nhà chơi mà không phải chịu ánh mắt dò xét, đánh giá của phụ huynh.

Trong khi sống chung nhà, ăn cơm cùng nhau, bố mẹ thì thích ăn đồ mềm, nhừ, cơm nhão, thế còn con cái lại thích ăn đồ rắn hơn. Hay người trẻ nghe nhạc thể loại hiện đại, sổi nổi, tiết tấu nhanh, còn người già lại nghe cải lương, vọng cổ nên không cùng “gu”.

Do vậy, nhu cầu, sở thích của mỗi lứa tuổi khác nhau nên khi “gò” họ vào cùng một chỗ là rất khó chịu, dễ xảy ra xung đột. Tuy nhiên, cha mẹ lại không muốn con dọn ra ngoài, sợ con vấp ngã, sợ con khó khăn, sợ xa cách. Thêm nữa, xóm làng có thể nghĩ do gia đình bất hòa, bố mẹ xung khắc nên mới tan đàn xẻ nghé thế.

Nhưng theo cá nhân tôi nghĩ, một gia đình hạnh phúc là khi mọi thành viên ở trong đó đều hài lòng. Vậy nên sẽ không có lời giải lý tưởng cho mọi trường hợp. Ở riêng hay chung là quyết định của từng gia đình, từng hoàn cảnh sau khi đã cân nhắc kĩ lưỡng.