Lý do trẻ đi học mầm non ‘tuần nào cũng ốm’: Bác sĩ chỉ cách khắc phục để bé khỏe hơn

Mình đang có con nhỏ và dự định vào tháng nữa sẽ cho con đi lớp. Tuy nhiên, mình đang hết sức lo lắng vì nghe mọi người bảo là con đi học rất hay ốm, rất dễ ốm. Thế nhưng giờ chẳng lẽ cứ giữ con ở nhà, không cho con đi thì lại không có người chăm. Với lại, mình cũng muốn con được gặp gỡ và chơi với các bạn đồng trang lứa.

Vừa đọc báo cũng thấy có mẹ chia sẻ về vấn đề này. Không biết các mẹ có biết làm cách nào để hạn chế tình trạng này không ạ?

hình ảnh

Trẻ khi đi mẫu giáo rất dễ bị ốm. Ảnh minh họa, nguồn: nengyuancn

Con cứ đi học là ốm là vì sao?

Chị Minh Chuyên (28 tuổi, ở Hà Nội) có con là bé Miu mới được 2,5 tuổi. Bé Miu mới được cho đi lớp vì trước nay ở nhà có bà trông. Giờ chị thấy con cũng lớn hơn rồi, nghĩ sức đề kháng con tốt hơn nên chị cho đi lớp. Vậy nhưng, suốt 1 tháng vừa qua, chị Chuyên liên tục phải xin nghỉ làm để trông con vì bé bị ốm.

Chị kể, con lúc thì viêm tai giữa, lúc lại viêm phế quản, rồi thì khò khè, khụt khịt… Mới đi lớp lại được vài ngày thì lại lăn ra ốm. Trước kia, khi ở nhà với bà, bé không ốm nhiều thế. Vợ chồng chị thay nhau xin nghỉ để chăm con nhưng nghỉ mãi cũng ảnh hưởng công việc. Hơn nữa nhìn con ốm đau, bố mẹ phát chán, chẳng muốn làm gì nữa. Rồi con quấy khiến chị bực mình muốn đánh con.

Đây có lẽ là tâm sự của tất cả các bà mẹ chứ không riêng gì chị Chuyên. Cứ vào thời điểm đi học là các mẹ lại kêu con ốm. Có bé chỉ đi được vài ngày đã sốt, ho rồi vừa khỏi được mấy hôm lại tái lại. Bé cứ ốm thế không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của con mà còn khiến cả nhà mệt mỏi.

Vậy vì sao trẻ cứ đi học là lại ốm? Theo các bác sĩ, có 4 nguyên nhân chính gồm:

+ Trong nhà trẻ, bé sẽ tiếp xúc gần với nhiều trẻ em khác, chơi chung đồ, lấy đồ chơi bỏ vào miệng…. Việc này làm tăng nguy cơ lây bệnh.

+ Trẻ còn nhỏ nên không biết cách tự vệ sinh cá nhân và phòng bệnh. Chúng làm theo bản năng, chẳng hạn nếu bị đau mắt đỏ sẽ dụi mắt và chạm vào bạn khác hay chạm vào đồ chơi. Sau đó, mầm bệnh sẽ dính vào và lây lan.

+ Hệ thống miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn toàn nên chưa thể chống lại các bệnh nhiễm trùng mới mà bé chưa được tiếp xúc trước đó. Với lại ở lứa tuổi này bé cũng chưa được tiêm hết các mũi vắc xin phòng bệnh.

+ Ngoài ra, tã bỉm nếu không được thay, vệ sinh kỹ cũng có thể làm tăng nguy cơ lây lan bệnh tiêu chảy, nhiễm trùng tiết niệu…

hình ảnh

Trẻ đi học mẫu giáo. Ảnh minh họa, nguồn: nengyuancn

Vậy cha mẹ nên làm gì?

Thông thường, khi bé mới đi nhà trẻ sẽ dễ mắc các bệnh như cảm cúm, viêm họng, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt phát ban… Khi cho con đi học, cha mẹ cần:

+ Chuẩn bị tâm lý sẵn là con sẽ dễ ốm hơn so với lúc ở nhà. Do đó, cha mẹ hãy đảm bảo bổ sung dinh dưỡng và tăng sức đề kháng cho con.

+ Cho con tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin phòng bệnh.

+ Cho bé ngủ đủ giấc và dạy bé rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

+ Tăng cường các hoạt động ngoài trời và giữ bình tĩnh khi con ốm.

Các chuyên gia nói rằng, trung bình trẻ sẽ ốm từ 8 – 12 lần/ năm. Mỗi lần ốm là một lần cơ thể tập dượt để nâng cao sức đề kháng. 

BS nhi khoa Canada Henry Ukpeh nói rằng: Thực tế, hệ miễn dịch của mà mẹ truyền cho bé trong bào thai chỉ đủ để bảo vệ con trong 6 tháng đầu đời. Giai đoạn tiếp theo từ 6 tháng đến khoảng 3-5 tuổi là lúc mà sức đề kháng của con yếu nhất nên dễ mắc bệnh nhất. Và đây cũng là độ tuổi mà con đi nhà trẻ nên con dễ bệnh hơn.

Nghiên cứu của trường Đại học Montreal (Canada) phát hiện: Trẻ đi nhà trẻ, mẫu giáo dễ ốm hơn trẻ chỉ ở nhà. Tuy nhiên, trẻ cũng sẽ theo đó mà nhận được lợi ích. Cụ thể, trẻ đi học mầm non thì đã tự xây dựng được hệ thống miễn dịch nên bé sẽ ít ốm hơn khi vào tiểu học. Ngược lại, những trẻ không đi học mầm non sau này khi vào tiểu học rất dễ mắc bệnh.