Lan truyền tin cho trẻ ăn thằn lằn chiên giúp chữa hen: Sự thật được bác sĩ tiết lộ

Các mẹ có con đang mắc hen suyễn thì nhớ chọn lọc thông tin mà đọc nha. Mới đây đang tranh cãi rần rần chuyện cho trẻ em ăn thằn lằn giúp chữa hen đây. Em chia sẻ với cả nhà để cùng biết và cảnh giác đây.

Đúng là thời gian mà nhiều trẻ thường lên cơn hen, bị các bệnh hô hấp là giai đoạn chuyển mùa lạnh thế này các mẹ ha? Bảo sao mà dạo này trên mạng hay cứ chia sẻ những thông tin sai lệch, ai mà không biết rất dễ rước họa vào thân. Cụ thể như vụ em đề cập ở trên, người ta đăng lên mạng cách chiên thằn lằn cùng lời khuyên “cho trẻ ăn để chữa hen suyễn” và đạt tới 5 triệu lượt xem.

Đọc phần bình luận bên dưới, em thấy nhiều người bày tỏ sự sự bất bình với việc chiên thằn lằn để ăn, một số người còn đặt câu hỏi có căn cứ nào không giữa việc ăn loài động vật này để chữa được bệnh hen suyễn. Thật ra là cho đến nay trên thế giới chứ không phải riêng gì Việt Nam, chưa có nghiên cứu nào cho thấy bệnh suyễn có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Một số quảng cáo thuốc đông y cho rằng có thể trị khỏi suyễn là không đúng vì điều trị cũng chỉ ở mức kiểm soát được cơn suyễn mà thôi chứ nói gì đến việc dùng loại động vật trên để trị bệnh.

Ngoài ra, theo như chia sẻ của Th.S BS chuyên khoa 2 Trần Quỳnh Hương, Trưởng khoa Hô hấp 2, BV Nhi đồng 2 em có đọc thêm trên trang Thanh Niên cho biết thêm:

“Bệnh hen suyễn do đường thở bị viêm mạn tính, càng nhạy cảm khi có tác nhân kích thích, gây ra những cơn co thắt gọi là cơn hen suyễn, biểu hiện bằng dấu hiệu ho, khò khè, khó thở tái đi tái lại. Như vậy, thuốc chữa bệnh hen suyễn chính gồm có thuốc giúp giảm nền viêm mạn tính và thuốc giãn phế quản khi có cơn co thắt. Tôi chưa từng được nghe bộ phận nào của thằn lằn có các tác dụng chữa bệnh như trên.”

Cũng theo BS Quỳnh Hương, còn nhiều vấn đề khác như quá trình chế biến thằn lằn được thực hiện thế nào, đảm bảo an toàn ra sao, phần nào được giữ lại hay loại bỏ… Nếu vấn đề vệ sinh nếu không đảm bảo đã thành lợi bất cập hại.

“Nhìn từ góc độ tây y, tôi khẳng định việc dùng thằn lằn để chữa bệnh hen suyễn là không khoa học và không có tính thuyết phục”, BS Hương chia sẻ.

Mặc dù không có cách chữa khỏi bệnh hen suyễn nhưng đây là một tình trạng có thể kiểm soát được nên mọi người cũng có thể yên tâm. Điều trị thường bao gồm hai loại thuốc là:

Thuốc kiểm soát: Chúng được dùng thường xuyên để ngăn ngừa các triệu chứng và giảm viêm đường thở.

Thuốc giảm đau: Chúng được sử dụng khi cần thiết trong các cơn hen suyễn để giúp giảm đau nhanh chóng bằng cách thư giãn các cơ đường thở.

Đặc biệt, trong quá trình điều trị phải dùng nhiều loại thuốc có thể dẫn tới nguy cơ loãng xương, chậm phát triển chiều cao, do đó, một chế độ ăn hợp lý là rất cần thiết cho sự phát triển thể chất, trí tuệ của trẻ. Một vấn đề mà nhiều bà mẹ quan tâm là trẻ khi bị hen suyễn cần phải kiêng thức ăn nào và nên ăn gì để khỏe mạnh thì theo như em có tìm hiểu, lúc trẻ không bị bệnh, cần cho trẻ ăn theo lứa tuổi như trẻ bình thường nhưng hạn chế thực phẩm dễ gây dị ứng.

Và những thức ăn dễ gây dị ứng bao gồm sữa, trứng, các loại hạt như đậu phộng, đậu nành, hải sản, lúa mì, rượu đỏ… Ngoài ra cũng cần tránh các thức ăn sinh lưu huỳnh như nước coca, tránh thức ăn chiên bằng dầu cũ, chiên đi chiên lại nhiều lần.

Từ vụ việc trên thì các bậc phụ huynh cũng nên lưu ý không áp dụng các cách chữa bệnh vô căn cứ, hay xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Bởi nhiều người bây giờ với mục đích câu view mà bất chấp đăng những clip tuyên truyền các “bài thuốc” quái dị, không hề có cơ sở khoa học như há miệng rồi bấm đuôi thằn lằn cho chui vào miệng, ăn tắc kè bay, ăn giun đất… Họ thậm chí còn khẳng định như đinh đóng cột rằng đây là cách chữa nhiều bệnh nan y nữa.