Cây xanh có thể mang lại vẻ đẹp cho không gian nhưng không phải cây nào cũng thích hợp để đặt ở trong nhà. Với những gia đình có con nhỏ thì lưu ý không nên trồng những cây này.
Cây hoa huệ lily
Tên gọi của cây mang đến sự thanh lịch, trang nhã nhưng loại hoa xinh đẹp này lại chứa tinh thể calcium oxalate. Nó có thể tạo ra các triệu chứng khó chịu nếu trẻ vô tình ăn vào hoặc nếu chất lỏng từ hoa tiếp xúc với da.
Dạ lan hương
Phòng ngủ không phải là nơi thích hợp để đặt dạ lan hương cũng như các loại cây tỏa ra mùi vào buổi tối. Cây sẽ tạo ra những hạt mùi kích thích xúc giác mãnh liệt, vô cùng nguy hiểm đối với những người mắc bệnh cao huyết áp và tim.
Tương tự dạ lan hương, những cây có mùi như tùng bách cũng không nên đặt ở trong phòng ngủ. Chúng tỏa ra hương dầu rất dễ khiến người ta cảm thấy buồn nôn. Nếu như đặt những cây như vậy trong phòng ngủ lâu ngày không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn dẫn tới vận thế không tốt.
Xương rồng ba cạnh
Loại cây xương rồng ba cạnh này có độc, nhất là nhựa trắng có trong toàn cây. Trong các công trình y học ở nước ta như “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”,… đều có nhắc đến điều này.
Bác sĩ Vũ cho biết, cây xương rồng ba cạnh là vị thuốc nhiều tác dụng như tẩy, kháng khuẩn, chống viêm… nhưng loại này chỉ được dùng ngoài ra và theo chỉ định. Các công trình y học đều nhấn mạnh người chưa có kinh nghiệm thì không nên dùng loại cây này.
Bác sĩ nhấn mạnh: “Ngày cả khi dùng ngoài da, chất nhựa có trong cây xương rồng ba cạnh cũng có thể gây kích ứng, làm tổn hại lớp niêm mạc da (đối với trường hợp da mỏng, da bị trầy xước…) và gây rát, phồng rộp, đỏ… Nếu không may để rơi vào mắt, nhựa cây cũng có thể gây mù mắt”.
Xương rồng bát tiên
Dù có tên gọi khá hấp dẫn nhưng loại cây này không thích hợp trồng trong nhà. Cây có nhiều giống loài, màu sắc (xanh, nâu đỏ, tím,…), nhựa mủ và gai chi chít trên thân. Những chiếc gai nhọn của chúng có thể đâm vào tay gây trầy xước nếu không cẩn thận.
Không chỉ có vậy, bác sĩ Vũ còn khuyến cáo: “Nhựa mủ của cây sẽ gây bỏng rát tay khi tiếp xúc. Những người trồng cây cần đeo bao tay kỹ lưỡng và rửa sạch tay nếu lỡ dính phải. Đặc biệt là gia đình có trẻ nhỏ nên tránh trồng cây này”.
Cây hồng môn
Toàn thân cây hồng môn đều có độc tố calcium oxalate và asparagine. Bình thường thì chất này không gây ảnh hưởng đến con người nhưng nếu trong nhà có trẻ nhỏ hoặc thú cưng thì cần chú ý khi trồng bởi nếu chúng ăn phải bất kỳ bộ phận nào của cây cũng gây ra bỏng rát họng, dạ dày và ruột. Lá hay hoa nếu nát dính vào da sẽ dễ tạo ban và rộp mụn nước.
Kim tiền
PGS Trần Hồng Côn – Khoa Hóa học, trường Đại học Khoa học tự nhiên cho biết, có rất nhiều cây cảnh để trong gia đình có độc và vô tình ăn phải có thể gây ngộ độc. Cây kim tiền cũng là một cây phong thủy nhiều người ưa thích nhưng nó có độc.
Cuống và lá cây kim tiền có chứa tinh thể canxi oxalat. Chất này có tác dụng hút khí độc trong không khí nhưng lại gây hại cho sức khỏe con người. Nó gây kích thích các vùng da nhạy cảm, niêm mạc lưỡi, môi, màng nhầy cổ họng hoặc vùng kết mạc mắt.
Nếu như trẻ nhỏ đùa nghịch chẳng may ăn phải lá cây kim tiền hay sơ ý làm nhựa, dính lên da, niêm mạc có thể gây ngứa, nóng rát trong miệng dẫn đến sưng viêm, ngạt thở.
Cây vạn niên thanh
PGS Hồng Côn cho biết thêm, không chỉ riêng cây kim tiền có độc mà những cây cảnh để trong nhà khác cũng rất độc đó là cây vạn niên thanh. Loại cây này được trồng nhiều ở các gia đình hoặc làm cây trang trí.
Nhưng trong cây vạn niên thanh có tới hai loại độc tố là andromedotoxin và arbutin glucosit trong tất cả các bộ phận của cây vạn niên thanh khi tiếp xúc với làn da trẻ em có thể gây bỏng rát. Nghiêm trọng hơn, trẻ em ăn phải lá cây vạn niên thanh (bộ phận chứa độc tố nhiều nhất) có thể bị nôn mửa, co giật.