3 tư thế ngồi của trẻ thấy dễ cưng nhưng tiềm tàng mối nguy hại đến cột sống

Dù ở tư thế ngồi nào trông trẻ đều rất đáng yêu khiến mẹ không nỡ bỏ lỡ những khoảnh khắc này. Nhưng trẻ có 3 tư thế ngồi, nếu thấy mẹ phải ngay lập tức sửa dáng cho con ngay kẻo nguy đến sức khỏe cột sống.

Khi được từ 4 đến 8 tháng tuổi, các bé sơ sinh sẽ dần cứng cáp để có thể tập ngồi vững. Ban đầu, bé sẽ phải cần đến vật dụng hỗ trợ hoặc cần mẹ dựa đỡ trước khi có thể tự ngồi vững mà không cần đến bất kỳ sự trợ giúp nào.

Cũng trong giai đoạn tập ngồi này, mẹ sẽ bắt gặp những khoảnh khắc đáng yêu của bé với đủ dáng ngồi khác nhau. Với những điều đáng yêu vô cùng như thế này thì không cớ gì mẹ lại có thể bỏ lỡ. Tuy nhiên, không phải tư thế ngồi của trẻ luôn đúng, thậm chí một vài tư thế còn ảnh hưởng đến cột sống và hình thành những tật xấu khó sửa.

Để giúp mẹ kịp thời phát hiện ra những dáng ngồi không có lợi cho cột sống và cho dáng vóc của bé sau này, dưới đây là đề xuất 3 dáng ngồi cần được sửa của trẻ.

Tư thế ngồi “W”

Khi ngồi ở tư thế W, mông của trẻ sẽ đặt trên mặt sàn và hai chân xếp gối theo hình dạng của chữ cái “W” trong tiếng Anh.

hình ảnh

Rất nhiều bé thích ngồi ở tư thế ngồi này vì bé có thể tiếp xúc tối đa giữa cơ thể và mặt đất, ít căng cơ, ngồi vững vàng và tiết kiệm sức lực nhất nên cũng đem lại cho bé cảm giác thư thái nhất định. Những bé đang tập bò hoặc mới tập đi thường thích ngồi co gối tạo hình chữ “W”.

Tuy nhiên, tư thế ngồi này tưởng chừng vô hại nhưng với trẻ nhỏ sẽ gây ra những bất lợi về mặt sức khỏe.

Thứ nhất, ngồi ở tư thế “W ” không chỉ khiến đùi của trẻ bị cong, chân tạo thành hình chữ X mà còn có thể gây tổn thương cho khớp gối.

Thứ hai, ngồi lâu trong tư thế “W” có thể làm nghiêng khung chậu, khiến tư thế đi đứng của trẻ bất thường, ảnh hưởng đến vóc dáng, đồng thời do hình thành thói quen lâu dài sẽ làm thay đổi khung xương, khiến trẻ dễ bị chấn thương khi chơi thể thao.

Tư thế ngồi quỳ trên gối

“Ngồi quỳ trên gối” là tư thế ngồi xếp bằng hai chân áp xuống sàn. Hầu hết chân và bàn chân trẻ sơ sinh không được thẳng và có độ uốn cong nhất định. Tình trạng này chỉ bắt đầu được cải thiện khi trẻ được 2- 3 tuổi. Các bé mới tập ngồi, tập bò đặc biệt ưa thích kiểu ngồi trên đầu gối.

Nếu mẹ vì chiều theo con mà cho bé ngồi lâu sẽ khiến trọng lượng cơ thể dồn lên bắp chân, làm tăng độ uốn cong của bắp chân.

Ngoài ra, ngồi quỳ trên gối còn khiến cơ thể từ từ ngả về phía trước. Điều này rất bất lợi cho sự phát triển cột sống của bé, dễ hình thành tật gù lưng.

Tư thế ngồi gập lưng hoặc gù lưng

hình ảnh

Ảnh minh họa: parenting

Ngoài kiểu ngồi chữ “W” và kiểu ngồi quỳ trên gối ra thì kiểu ngồi gập lưng hoặc khom lưng, nằm co chân trên ghế sofa… đều không có lợi cho sự phát triển khung xương của trẻ.

Những kiểu ngồi này kéo dài lâu ngày dễ khiến cột sống bị cong, hình thành tật gù lưng và cũng dễ làm giảm thị lực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự cân bằng và phối hợp của cơ thể.

Tư thế ngồi đúng cho trẻ sơ sinh phải như thế nào?

Các tư thế ngồi phù hợp với trẻ sơ sinh được các bác sĩ khuyên nên duy trì bao gồm:

  • Ngồi vòng chân: Chân cong vào trong để tạo thành vòng là tư thế ngồi được khuyến khích nhất khi bé bắt đầu tập ngồi vì vừa tạo sự thoải mái vừa giúp trẻ giữ được thăng bằng.
  • Ngồi hình chữ V: Bàn chân duỗi thẳng tự nhiên hoặc mở rộng theo hình chữ V được cho là tư thế ngồi thích hợp nhất cho sự phát triển thể chất của bé.
  • Ngồi chân duỗi, chân vòng: Cách ngồi này trẻ sẽ phải một chân thẳng và chân kia cong vào trong.
  • Ngồi nghiêng: Ngồi trên mặt đất, hai chân uốn cong về cùng một bên.

Muốn sửa thế ngồi cho trẻ phải làm sao?

1. Đặt một tấm đệm vào lưng của bé, giúp bé thư giãn cơ lưng và ngồi thoải mái hơn.

2. Ngồi sau lưng bé và chơi cùng. Mẹ có thể ngồi sau lưng bé để đầu và lưng bé tựa vào ngực mình, chơi trò chơi, đọc sách tranh và tận hưởng thời gian bên nhau.

3. Nếu bé ngồi sai tư thế và sửa nhiều lần mà không có kết quả, mẹ có thể hỏi ý kiến ​​bác sĩ để kiểm tra sự phát triển của xương và cơ hai chi dưới, cần thiết có thể phải điều chỉnh lại thông qua phương pháp vật lý trị liệu.

Tư thế ngồi có ảnh hưởng rất lớn đến khung xương của trẻ nên mẹ đừng xem thường mà hãy giúp con sửa đổi ngay từ sớm, mẹ nhé!