2 vị trí ngoài da ở trẻ nhỏ chuyển màu đen trắng ẩn họa mối nguy, để càng lâu càng khó chữa

Khi phát hiện con mình có chút khang khác, bố mẹ thường tự an ủi bằng câu “không sao đâu” rồi chần chừ ấn định ngày đi khám. Đến khi đi viện được thì tình trạng của con đã nghiêm trọng.

Cháu gái bên chồng em năm nay 8 tuổi. Do bố mẹ ngày trước đều nghèo khó nên khi nhà có điều kiện một chút thì cái gì cũng thoải mái với con cái. Bé thích ăn gì, ăn lúc nào, bất kể đồ ngọt, đồ béo; bất kể nửa đêm bỗng dưng thèm… bố mẹ đều chiều con hết. Mới có chút tuổi thôi, cao chừng 1,2m mà giờ bé đã 50kg, đi lại ì ạch rất khó nhọc. Cách đây chừng 4 tháng, vợ chồng em có việc, ghé qua nhà anh chị thăm. Em phát hiện bé có vệt sạm đen quanh cổ, gáy, rất đậm. Lúc này, em mới quay qua nói nhỏ với chị cho bé đi khám bệnh vì dấu hiệu này không nên chủ quan. Anh chồng em thính tai nghe được, mặt mày nhăn mặt khó chịu, còn bảo: “Thím nó khéo lo. Nhà này có ai trắng trẻo đâu mà con bé không đen.”

Sau Tết mới đây, em nghe chồng nói lại, anh chị ấy mới đưa con đi khám bệnh. Đúng là vệt đen xuất hiện ở vùng da quanh cổ bé ngày càng đậm lên. Anh chị nhớ lại lời em nói nên cũng không dám liều để vậy. Bác sĩ chẩn đoán bé bị béo phì, có dấu hiệu kháng insulin khá nặng nên cần điều trị.

Bởi mới nói, với trẻ nhỏ, cứ thấy dấu hiệu gì thay đổi bất thường một chút là cha mẹ lại lo lắng. Đôi khi những lo lắng đó có thừa do cứ phải dựa trên dấu hiệu đoán mò nhưng trong một số trường hợp, nếu cơ thể bé có những dấu lạ, chẳng hạn như thấy da ở hai vị trí dưới đây đổi màu đen, trắng thì cần phải đưa bé đi thăm khám càng sớm càng tốt.

Bàn tay chuyển màu trắng bệch

Cách đây chừng 3 năm, trong một bài đăng trên trang cá nhân, bác sĩ Nguyễn Thanh Sang từng chia sẻ một trường hợp bệnh nhi 3 tuổi, quê ở An Giang, bàn tay trắng. Theo bác kể thì bé này nhập viện trong thể trạng xanh xao, lòng bàn tay chuyển màu trắng bệch. Nghi ngờ bé bị thiếu sắt trầm trọng, bác sĩ cho xét nghiệm thì thấy chỉ số hemoglobin của bé chỉ bằng ⅓ so với các trẻ nhỏ đồng lứa khác. Nghi ngờ của bác sĩ là chính xác và chỉ cần nhìn những biểu hiện ngoài da khác thường cũng có thể chẩn đoán.

hình ảnh

Nguồn ảnh: fb bác sĩ Nguyễn Thanh Sang

Mẹ bé cho biết vì chị bận rộn nên toàn mua cơm tiệm về ăn. Bé được bà ngoại chăm, thường khui sữa cho uống. Một ngày con uống từ 10 – 12 hộp sữa tươi, tương đương 1800 – 2100ml sữa.

Nhiều lần thấy bé xanh xao, trắng bệch, bà nội có khuyên con dâu cho cháu đi khám nhưng bà ngoại lại cản, bảo là trù cháu bệnh. Khi bé được đưa đi khám và chuyển cấp cứu, nhập vào khoa của bác Sang cũng là viện cớ theo bố về nội chơi mới đi được.

Sữa đúng là rất cần thiết cho mọi lứa tuổi và thỉnh thoảng có thể đổi một cữ sữa thay bữa cơm nếu trẻ đau bệnh, không thể ăn uống. Nhưng chưa bao giờ, sữa có thể thay thế được thức ăn và càng không nên uống quá nhiều, uống thay luôn nước lọc, thức ăn.

Hiệp hội Bác sĩ gia đình Hoa Kỳ (AAFP) khuyến cáo trẻ từ 2 tuổi trẻ không nên uống quá 680ml sữa/ ngày. Với WHO, con số này là 300-500 ml/ngày. Nếu trẻ được cho uống quá nhiều sữa thì nguy cơ thiếu máu nghiêm trọng có thể xảy ra.

Ngoài sữa là thực phẩm cần thiết ra thì trẻ nên được ăn phối hợp nhiều loại thức ăn để đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho từng giai đoạn phát triển thể chất, chiều cao.

Da ở quanh vùng cổ, gáy chuyển màu đen sạm

Năm 2020, Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) từng tiếp nhận một bệnh nhi 13 tuổi. Bé gái này có u tuyến giáp và khi thăm khám, bác sĩ còn phát hiện ra em có dấu hiệu kháng insulin nặng.

Bé cao 1,5m, nhưng nặng đến 6,6kg và điểm đặc biệt khiến bác sĩ phải chú ý ngay đó là vùng da quanh cổ của em chuyển màu đen sạm. Khi bác sĩ thăm hỏi thì gia đình cho biết trước đó, có phát hiện cổ bé chuyển màu đen nhưng lại nghĩ là bé ở bẩn, không tắm rửa kỹ. Sau đó, tắm kỹ rồi vẫn không hết thì có cho bé đi spa. Sau khi tẩy, vùng da có mờ chút đỉnh nhưng lại chuyển màu đen như trước. Ngoài vùng cổ ra thì hai bên vùng nách của bé cũng bị chuyển màu tương tự.

hình ảnh

Một bé gái có dấu hiệu gai đen quanh cổ. Ảnh: m.familydoctor

Theo các tài liệu y khoa, vùng da chuyển màu ở em nhỏ này được gọi là dấu hiệu gai đen (Acanthosis Nigrican) trong hội chứng kháng insulin nặng. Theo TS-BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, cũng chính là vị bác sĩ đã trực tiếp khám cho em nhỏ này thì “Kết quả xét nghiệm nồng độ insulin trong máu của trẻ gái nêu trên là 38,3 U/L, cao gần gấp 4 lần so với người bình thường.”

Từ trường hợp của bé gái này, bác sĩ Bảy có đưa ra chỉ dẫn: “Gai đen thường xuất hiện ở cổ và nách, hay gặp ở trẻ bị béo phì có hội chứng chuyển hóa hoặc hội chứng buồng trứng đa nang (trẻ gái). Những trẻ có dấu hiệu này có nguy cơ rất cao bị mắc đái tháo đường tuyp 2 cũng như các bệnh tim mạch.”

Như vậy, với trẻ xuất hiện gai đen, việc đưa trẻ đi khám sớm có ý nghĩa quan trọng trong việc điều trị bệnh. Tốt nhất nên đưa bé đến Khoa Nội tiết để được xét nghiệm và thăm khám đầy đủ.

Tóm lại, nếu quan sát trẻ, thấy 2 dấu hiệu: bàn tay chuyển màu trắng bệch, da vùng cổ hoặc dưới nách chuyển màu đen sạm thì bố mẹ nhất định không thể chần chừ thêm, mà phải sớm sắp xếp ngày giờ, đưa con đi viện, để càng lâu càng khó chữa.